Ngành y tế là ngành lao động đặc thù, thường xuyên phải tiếp xúc với các loại dịch bệnh dễ lây, làm việc trong môi trường bức xạ, sử dụng các thiết bị áp lực như nồi hơi, nồi hấp ướt…. có nhiều yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Trong đó, yếu tố nguy hiểm gây tai nạn lao động cùng các yếu tố tác hại là nguyên nhân chính gây bệnh nghề nghiệp của nhân viên y tế. Luật An toàn vệ sinh lao động qui định việc đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động; chính sách, chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; trách nhiệm và quyền hạn của các tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác an toàn, vệ sinh lao động và quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động. Vì vậy, để hoạt động bảo vệ sức khỏe cho nhân viên y tế được hiệu quả thì công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp, cần được chú trọng và quan tâm hơn nữa.

  • Đặc điểm lao động ngành y tế

Tùy thuộc vào mỗi loại hình lao động, mỗi vị trí công việc có các yếu tố khác nhau gây nguy hại đến sức khỏe của người lao động. Cụ thể:

– Nhân viên y tế (NVYT) làm công tác khám bệnh, chữa bệnh: thường xuyên tiếp xúc các dụng cụ, thiết bị ô nhiễm mầm bệnh; thực hiện công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân bị bệnh, xét nghiệm các dịch cơ thể, máu của bệnh nhân; thường xuyên tiếp xúc chất thải y tế (vật sắc nhọn, đờm, nước tiểu…). NVYT có thể bị phơi nhiễm các tác nhân gây bệnh qua đường máu, dịch cơ thể, không khí, bụi… sẽ có nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn nghề nghiệp như HIV/AIDS, Viêm gan B, C, Lao, COVID-19, Adeno Vi rút, cúm, ebola, sởi, quai bị…

– NVYT làm công tác phòng chống dịch (tay chân miệng, cúm gia cầm, sởi…), thường xuyên đến vùng có các vật chủ trung gian truyền bệnh như: muỗi, côn trùng gây bệnh, ve… NVYT có thể có nguy cơ mắc bệnh như: sốt xuất huyết, sốt rét, tay chân miệng, cúm A H5N1, COVID-19…

– NVYT làm công tác trong môi trường bức xạ, hóa chất như phòng xét nghiệm, phòng X-Quang… NVYT có nguy cơ mắc ung thư, rối loạn hormone, các bệnh về da…

– Ngoài ra, NVYT có thể phải tiếp xúc với nhiều tác hại không lây nhiễm, hóa chất khử khuẩn, những tác nhân vật lý như nóng, tiếng ồn, bức xạ ion hóa, siêu âm, stress… Tiếp xúc với các hóa chất này có một số tác hại như kích thích mắt và niêm mạc, đau đầu, khó thở, kích thích da, dị ứng…

  • Những yếu tố tác hại thường gặp
  • Yếu tố vi sinh vật

– Tiếp xúc với bệnh nhân hoặc máu/chế phẩm của máu, dịch tiết bị nhiễm mầm bệnh, chất thải y tế.

– Tiếp xúc với động vật sống bị nhiễm bệnh: nhóm này bao gồm các cán bộ, nhân viên, công nhân phải tiếp xúc với động vật tại các phòng thí nghiệm động vật, các viện nghiên cứu chế xuất vắc xin và sản xuất dược phẩm.

– Tiếp xúc với sản phẩm động vật, chất thải động vật: nhóm nhân viên, công nhân làm trong phòng thí nghiệm, viện nghiên cứu vắc xin, sinh phẩm, các khoa cận lâm sàng các trường y dược, công ty nghiên cứu sản xuất dược phẩm…

– Tiếp xúc với các vật chủ trung gian truyền bệnh: muỗi, ve, bọ chét, chuột…

– Tiếp xúc với bụi có chứa mầm bệnh.

  • Yếu tố bức xạ ion hóa: bức xạ anpha, beta, gamma, tia X…
  • Yếu tố hóa học: chất sát trùng và khử như Chlorine, iodine, formaldehyde…
  • Yếu tố chất thải y tế: vật sắc nhọn, bơm kim tiêm, bông băng, gòn, gạc, mô, bộ phận cơ thể người thải bỏ… .
  • Yếu tố khác: làm việc theo ca trực, stress, áp lực công việc, bụi, ecgônômi
  • Khuyến nghị một số biện pháp dự phòng An toàn vệ sinh lao động cho NVYT

– Kiểm soát nhiễm khuẩn tại cơ sở y tế

+ Vệ sinh tay: rửa tay thường xuyên bằng dung dịch khử khuẩn.

+ Sử dụng găng tay y tế.

+ Sử dụng khẩu trang y tế tại các cơ sở y tế.

+ Vệ sinh thường xuyên môi trường bề mặt bằng dung dịch khử khuẩn.

+ Phân loại, thu gom chất thải y tế.

– Bảo đảm an toàn sinh học trong phòng xét nghiệm (Theo thông tư 41/2016/TT-BYT).

+ An toàn sinh học cấp 1 đối với các loại VSV thuộc nhóm 1 và các sản phẩm từ VSV nhóm khác mà không còn khả năng gây bệnh.

+ An toàn sinh học cấp 2 đối với các loại VSV thuộc nhóm 1, nhóm 2 và các sản phẩm từ VSV thuộc nhóm 3 và 4 đã được xử lý theo điều kiện của cơ sở xét nghiệm.

+ An toàn sinh học cấp 3 đối với các loại VSV nhóm 1, nhóm 2, nhóm 3 và các sản phẩm từ VSV thuộc nhóm 4 đã được xử lý theo điều kiện của cơ sở xét nghiệm.

– An toàn bức xạ trong cơ sở y tế

+ Biện pháp kỹ thuật công nghệ: ít thời gian tiếp xúc, khoảng cách xa nguồn phát bức xạ, che chắn, thường xuyên kiểm tra ô nhiễm phóng xạ…

Hình 1: Biện pháp kỹ thuật công nghệ trong an toàn bức xạ

+ Biện pháp bảo vệ cá nhân: trang phục bảo hộ (găng tay, áo chì, tạp dề chì) và các thiết bị che chắn bằng chì cho các bộ phận nhạy cảm với phóng xạ (mắt, tuyến giáp, bộ phận sinh dục)

+ Biện pháp y tế: khám tuyển, khám bố trí trước khi làm việc; khám sức khỏe định kỳ; khám phát hiện bệnh nghề nghiệp…

+ Biện pháp hành chính, đào tạo, truyền thông: phân công cán bộ phụ trách an toàn, quy định rõ trách nhiệm và quyền hạn bằng văn bản; không sử dụng người lao động dưới 18 tuổi; gắn các biển cảnh báo phóng xạ; nhân viên bức xạ y tế phải được đào tạo và cấp chứng nhận an toàn bức xạ theo quy định.

Hình 2: Biển cảnh báo khu vực có nguồn phóng xạ

– Một số an toàn vệ sinh lao động khác: An toàn với hóa chất chế phẩm diệt khuẩn sử dụng trong cơ sở y tế, an toàn sử dụng thiết bị điện, an toàn sử dụng thiết bị áp lực, an toàn sử dụng thang máy điện, an toàn trong quá trình vận chuyển bệnh nhân…